Sáp nhập Eximbank và Sacombank có thể là sự thật
Sau khi sáp nhập sẽ hình thành một ngân hàng cổ phần lớn với 600 chi nhánh, vốn điều lệ hơn 30.000 tỷ đồng, tổng tài sản từ 400.000-500.000 tỷ đồng.
Việc Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) sẽ sáp nhập mới được đặt ra. Tuy nhiên, xét trên nhiều yếu tố, ý tưởng này hoàn toàn có thể thành hiện thực, một khi hội đủ các điều kiện cần thiết.
Thực ra, ý tưởng này xuất phát từ buổi sơ kết hoạt động của Eximbank vào tháng 7/2011 tại Đà Lạt. Khi đó Eximbank quyết định mua lại 9,73% cổ phiếu của Sacombank từ ANZ. Ban tổng giám đốc trình Hội đồng quản trị kế hoạch mua lại này khi Eximbank lúc đó thặng dư một số tiền lớn.
Sau khi tính toán đầu tư vào Sacombank, Eximbank đã đặt hai mục tiêu đầu tư đó là đầu tư ngắn hạn bằng cách mua bán cổ phiếu bình thường, chờ giá lên đạt mức kỳ vọng thì bán; và mục tiêu thứ hai là đầu tư dài hạn.
Chỉ vài tháng sau, nếu Eximbank bán ra lượng cổ phiếu đã mua vào thì cũng lời vài trăm tỷ đồng. Nhưng rõ ràng việc bán ra kiếm vài trăm tỷ đồng đối với Eximbank quá bình thường nên lúc đó, việc Eximbank quyết định tiếp tục đầu tư lâu dài ở Sacombank khá dễ hiểu.
Lý do, Eximbank đã nhìn ra hai cái lợi lớn, một là cổ tức, hai là lợi thế của Eximbank trong hệ thống ngân hàng cổ phần ở mức cao hơn. Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng Eximbank đã tính nhầm nước cờ và không thể nào rút chân ra đành phải quyết định gắn bó với Sacombank.
Điều này cũng được ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, thừa nhận, trước khi mua lại cổ phần Sacombank của ANZ, Eximbank có hỏi phía ANZ hai câu hỏi: "Tại sao bán?" thì ANZ không trả lời. "Tại sao chọn Eximbank?" thì ANZ trả lời "Eximbank là ngân hàng lớn, có uy tín".
"Sau khi tham gia vào hoạt động Sacombank, chúng tôi mới hiểu tại sao ANZ không trả lời. Ngoài các lợi thế, Sacombank có một số vấn đề cần giải quyết. Các vụ việc lùm xùm sau đó xảy ra thì chúng tôi thấy rằng không thể nào bán với giá cao được nên quyết định ở lại Sacombank lâu dài", ông Dũng nói.
Đến nay, sau khi trở thành cổ đông lớn của Sacombank, có hay không việc sáp nhập hai ngân hàng này vẫn là đề tài nóng. Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp chính thức, nhưng rõ ràng lãnh đạo của hai ngân hàng không hề lên tiếng phản bác.
Ngược lại, nói như ông Dũng "ý tưởng này sẽ sớm thành hiện thực một khi hội đủ các điều kiện cần thiết" thì dễ hiểu việc sáp nhập có thể có thật.
Có thể nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: "Tại sao lại có ý tưởng này?".
Cũng không khó để có câu trả lời. Lý do, sau khi sáp nhập sẽ hình thành một ngân hàng cổ phần lớn với 600 chi nhánh, vốn điều lệ hơn 30.000 tỷ đồng, tổng tài sản từ 400.000-500.000 tỷ đồng.
Nếu từng ngân hàng muốn đạt được quy mô lớn như vậy thì phải mất khoảng 20 năm, nhưng nếu sáp nhập thì chỉ mất khoảng 2-3 năm. Việc sáp nhập này nếu được sẽ góp phần phát triển được kinh tế, góp phần tái cấu trúc ngành ngân hàng.
Do đó, Eximbank cần có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước khác, sự đồng thuận của các cổ đông cả hai ngân hàng (trên 65% cổ đông mỗi ngân hàng chấp thuận), sau đó đến các giải pháp kỹ thuật để có thể thực hiện việc chuyển đổi như tỷ lệ chuyển đổi, tên...
Việc có thể sáp nhập hai ngân hàng này đang trở nên nghiêm túc hơn chứ không phải đồn đoán khi ông Dũng thừa nhận "Thường trực hai bên đã có cuộc trao đổi".
Tương tự, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, cũng khẳng định: "Đây là ý tưởng hay và đã được đề cập đến từ nhiều năm trước, trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Sáp nhập không có nghĩa chỉ có các ngân hàng nhỏ mà các ngân hàng lớn, mạnh sáp nhập để có được một ngân hàng có quy mô tầm vóc lớn, đủ sức cạnh tranh đối với ngân hàng nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam".
Trong khi chuyện sáp nhập vẫn còn là ẩn số ngoài những tuyên bố bóng gió như vậy thì thời gian gần đây, đã diễn ra khá nhiều giao dịch thỏa thuận cổ phiếu Eximbank (EIB) lô lớn. Chưa xác định được ai đang gom cổ phiếu Eximbank, chỉ biết qua số liệu của bộ phận theo dõi đầu tư tài chính, thời gian qua có khoảng 120 triệu cổ phiếu Eximbank giao dịch (khoảng gần 10% cổ phiếu Eximbank).
Theo lãnh đạo của Eximbank, trước mắt việc mua bán thỏa thuận này chưa ảnh hưởng đến cấu trúc quyền lực tại Eximbank hiện nay. Cụ thể, Hội đồng quản trị của Eximbank có 8 thành viên, trường hợp cá nhân hay nhóm nhà đầu tư đã mua 10% cổ phiếu nếu muốn tham gia cũng sẽ được một thành viên. Do đó áp lực của nhóm cổ đông này sẽ không thay đổi được nhiều.